Đất nước Canada – đất nước lá phong, cái tên nghe tưởng như rất đỗi quen thuộc nhưng hóa ra lại khá lạ lẫm với rất nhiều người. Chắc hẳn đã ít nhất một lần bạn từng nghe ai đó nhắc đến Canada, nhưng bạn có biết Canada là một đất nước như thế nào, đất nước và con người Canada ra sao? Hãy cùng VICTORY tìm hiểu đôi nét về Đất nước Canada qua bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan về đất nước Canada
Lịch sử hình thành nước Canada
Lịch sử đất nước Canada bắt đầu từ khi xuất hiện bộ tộc người Da đỏ cổ đại Paleo – Indian từ hàng nghìn năm trước. Đặc trưng của xã hội Thổ dân Canada bao có các khu sinh sống, khu nông nghiệp, với kết cấu phân tầng xã hội phức tạp, và hình thành các mạng lưới mậu dịch. Đây là thời điểm đầu trong lịch sử Canada, những người dân da đỏ đã phát triển, xây dựng lên một nền văn hóa Canada mới, phong phú và đầy màu sắc. Các nhà nghiên cứu khảo cổ học đã khám phá ra rằng một số trong các nền văn hóa này đã bị sụp đổ vào lúc những nhà thám hiểm người châu Âu đến vào cuối thế kỷ XV và đầu thế kỷ XVI.
Tới thời kì cổ đại, tại Canada đã có sự phân cấp giữa các tầng lớp trong xã hội. Sự việc này kéo dài cho đến khi người dân châu Âu xuất hiện và khám phá ra châu Mỹ đã thay đổi và làm tàn lụi đi nền văn minh da đỏ. Kể từ đây, lịch sử nước Canada bước vào một giai đoạn mới.
Mọi thứ không có gì đáng kể cho đến những năm cuối thể kỉ 15, khi những người thám hiểm từ Anh và Pháp xuất hiện tại nơi đây khám phá và định cư. Việc này đã biến đất nước Canada trở thành thuộc địa của đất nước Pháp vào những năm 1763, sau đó Pháp nhượng lại toàn bộ thuộc địa cho nước Anh tại khu vực Bắc Mỹ.
Các mốc thời gian quan trọng trong lịch sử hình thành nước Canada:
- Năm 1867, Đạo luật Hiến pháp chính thức tuyên bố thành lập Liên minh Canada bao gồm bốn tỉnh: Ontario, Québec, Nova Scotia, và New Brunswick
- Năm 1870, tỉnh bang Manitoba được hình thành.
- Năm 1866, British Columbia và Đảo Vancouver được hợp nhất, đến năm 1871 thì gia nhập Liên minh.
- Năm 1873, đảo hoàng tử – Prince Edward gia nhập Liên minh Canada.
- Năm 1898, trong Cơn sốt vàng Klondike tại các Lãnh thổ Tây Bắc, chính phủ Canada lập ra Lãnh thổ Yukon.
- Năm 1905, Alberta và Saskatchewan được hình thành do số lượng lớn người nhập cư đến từ lục địa châu Âu đến định cư trên các thảo nguyên.
- Năm 1931, một sự kiện quan trọng đã được đánh dấu trong lịch sử Canada đó là đất nước Canada chính thức trở thành một quốc gia độc lập, không còn phụ thuộc vào Vương quốc Anh. Điều này đã đánh dấu một thời đại mới của Canada bắt đầu.
- Năm 1965, nhờ sự tăng trưởng kinh tế kết hợp với các chính sách của các chính phủ Tự do, Canada hình thành một bản sắc mới, biểu thị thông qua việc chấp thuận quốc kỳ lá phong – biểu tượng đất nước Canada hiện nay.
- Năm 1969, chính thức thi hành song ngữ: tiếng Anh và tiếng Pháp.
- Năm 1971, chính thức lập thể chế đa nguyên văn hóa.
- Năm 1982, một loạt các hội nghị Hiến pháp khác được mở ra dẫn đến kết quả là hiến pháp Canada đoạn tuyệt với Anh Quốc, đồng thời với việc tạo thành Hiến chương Canada về Quyền lợi và tự do.
- Năm 1989, Chính phủ Canada thông qua hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ.
- Năm 1990, Canada tham gia trong Chiến tranh Vùng Vịnh với vị thế là một phần trong lực lượng liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo, và hoạt động trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình – sứ mệnh UNPROFOR tại Nam Tư cũ.
- Năm 1993, Mulroney từ chức Thủ tướng, Kim Campbell lên nắm quyền và trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Canada. Nhưng bà chỉ giữ vị trí quyền Thủ tướng vỏn vẹn trong vòng vài tháng.
- Năm 1995, Chính phủ Quebec tổ chức cuộc tổng tuyển cử lần thứ hai, nhưng chỉ có 49,4% số phiếu ủng hộ với đề xuất về chủ quyền, độc lập. Năm 1998, Tòa án Tối cao Canada bác bỏ phán quyết này.
- Năm 1999, Nunavut trở thành lãnh thổ thứ ba của Canada sau một loạt đàm phán với chính phủ liên bang.
- Canada cử quân đến Afghanistan vào năm 2001, song từ chối tham gia cuộc xâm chiếm Iraq do Hoa Kỳ dẫn đầu vào năm 2003.
- Năm 2009, kinh tế Canada chịu tổn thất trong Đại suy thoái toàn cầu, song đã phục hồi nhưng còn khá khiêm tốn.
- Năm 2011, các lực lượng của Canada tham gia vào cuộc can thiệp do NATO dẫn đầu trong Nội chiến Libya.
Ngày nay, Canada là một quốc gia đa sắc tộc, đa văn hóa. Canada đã và đang trở thành một trong những quốc gia lớn mạnh nhất trên thế giới.
Sơ lược về đất nước Canada
Vị trí địa lý
Tìm hiểu về đất nước Canada qua bản đồ Canada để chúng ta thấy được Canada là quốc gia vô cùng rộng lớn vì lãnh thổ chiếm phần lớn lục địa Bắc Mỹ, có chung biên giới trên bộ với Hoa Kỳ tiếp giáp ở phía nam và tiểu bang Alaska của Hoa Kỳ ở phía tây bắc. Canada trải dài từ Đại Tây Dương ở phía đông đến Thái Bình Dương ở phía tây; về phía bắc là Bắc Băng Dương. Nói đến đây chắc hẳn bạn đã giải đáp được thắc mắc Canada thuộc châu nào rồi chứ?
Canada cũng có địa hình hàng hải rộng lớn, với đường bờ biển dài nhất thế giới 243,042 km. Địa lý vật lý của Canada rất đa dạng. Rừng cây sinh sống phổ biến trên khắp đất nước và các thảo nguyên Canada tương đối bằng phẳng ở phía tây nam tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp sản xuất.
Các tỉnh và vùng lãnh thổ tại Canada
Canada gồm có 10 tỉnh và 3 vùng lãnh thổ, có thể chia làm 5 vùng chủ yếu sau:
- Vùng trung tâm: bao gồm Quebec và Ontario.
- Vùng phía Đông: hay được gọi là vùng Đại Tây Dương, bao gồm các tỉnh của Newfoundland và Labrador, Nova Scotia, New Brunswich và đảo Prince Edward.
- Vùng phía Tây: bao gồm phần lớn của Alberta và British Columbia.
- Vùng phía Bắc: bao gồm 3 vùng lãnh thổ – Nunavut, Yukon và vùng lãnh thổ Tây Bắc.
- Vùng thảo nguyên: bao gồm Manitoba, Saskatchewan và một phần của Alberta.
Các tỉnh bang của Canada và vùng lãnh thổ sẽ có thủ đô và bộ máy chính quyền riêng.
Diện tích đất nước Canada
Diện tích lãnh thổ Canada là 9,984,670 km2. Tính theo tổng diện tích (bao gồm cả vùng biển), Canada là quốc gia lớn thứ hai trên thế giới, đứng sau Nga. Còn nếu chỉ tính diện tích đất liền, Canada đứng thứ tư, do quốc gia này có tỷ lệ hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Trong số mười ba tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada, chỉ có hai tỉnh bang là Alberta và Saskatchewan nằm trong đất liền trong khi mười một tỉnh còn lại đều có biên giới trực tiếp với một trong ba đại dương.
Dân số đất nước Canada
Ước tính đến Quý 2 năm 2021, dân số Canada khoảng 38,246,108 người – đứng thứ 37 trên toàn thế giới. Mật độ dân số khoảng 3,92 người/ km2. Canada được đánh giá là một trong số các quốc gia có mật độ dân số thấp nhất trên thế giới.
Có khoảng 80% người Canada sống tại các khu vực đô thị tập trung tại Québec, British Columbia, và Alberta. Giống như các quốc gia phát triển khác, Canada đang có xu hướng dân số già, với nhiều người nghỉ hưu hơn và còn ít người trong độ tuổi lao động. Năm 2006, tuổi trung bình của cư dân Canada là 39,5; năm 2011, con số này tăng lên xấp xỉ 39,9. Năm 2013, tuổi thọ bình quân của người Canada là 81.
Trong khi đó số liệu thông kê vào năm 2016 là khoảng 35,151,728 người. Trong đó có 32% là người gốc Canada; 18,3% là người Anh; 13,9% là người Scotland; 3,6% là người Pháp, 13,4% là người Ailen, v.v….
Nhờ chính sách kinh tế và đoàn tụ gia đình của Chính phủ, Canada hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nhập cư cao nhất thế giới. Các khu vực đô thị lớn như Toronto, Montreal và Vancouver là lựa chọn của hầu hết của những người mới nhập cư. Canada là một quốc gia chấp nhận một lượng lớn người tị nạn, chiếm hơn 10% tái định cư người tị nạn toàn cầu mỗi năm.
Thông tin về đất nước Canada
Thủ đô
Thủ đô của Canada là Ottawa – thành phố lớn thứ tư của Canada. Ottawa nằm thuộc tỉnh bang Ontario và cũng là thành phố lớn thứ hai của tỉnh bang này sau Toronto. Ottawa nằm trong thung lũng sông Ottawa phía bờ Đông của tỉnh bang Ontario, cách Toronto 400 km về phía Đông Bắc và Montréal 190 km về phía Tây. Ottawa nằm trải dài theo bờ sông Ottawa, đường thủy chủ yếu ngăn cách tỉnh bang Ontario và Québec.
Ngôn ngữ
Canada nói tiếng gì? Chính phủ Canada đã thông qua việc quốc gia này có hai ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh và tiếng Pháp, và hai ngôn ngữ này có địa vị ngang nhau trong các tòa án liên bang, Nghị viện, và trong toàn bộ các cơ quan liên bang.
Tiếng Pháp được quy định là ngôn ngữ chính thức của Québec. Các tỉnh khác không có ngôn ngữ chính thức, song tiếng Pháp được sử dụng như một ngôn ngữ trong giảng dạy, trong tòa án, và cho các dịch vụ chính quyền khác, cùng với tiếng Anh.
Múi giờ
Lãnh thổ rộng lớn của Canada là còn được thể hiện qua việc Canada hiện có tất cả 6 múi giờ khác nhau. Giờ Canada có thể chênh lệch nhau từ 3 đến 5 giờ, tùy thuộc vào việc bạn đang ở Newfoundland, Atlantic (Đại Tây Dương), Eastern (miền Đông ), Central (miền Trung), Mountain (miền núi) và Pacific (Thái Bình Dương).
- Múi giờ Newfoundland (UTC – 3:30): chậm hơn Việt Nam khoảng 10 giờ 30 phút.
Múi giờ Newfoundland được áp dụng cho các tỉnh thuộc khu vực Đại Tây Dương của Canada, gồm đảo Newfoundland và phần lãnh thổ Labrador tại đại lục. Một số thành phố Canada thuộc múi giờ này đó là thành phố ST. Johnn’s.
- Múi giờ Đại Tây Dương ở Canada (UTC – 4:00): chậm hơn Việt Nam khoảng 11 giờ.
Múi giờ này được áp dụng cho vùng tỉnh bang ven biển Newbruswick và bán đảo Nova Soctia.
- Múi giờ miền Đông ở Canada (UTC – 5:00): chậm hơn Việt Nam khoảng 12 giờ.
Múi giờ này được áp dụng cho các tỉnh bang: Ontario, Québec và đông trung Nuvanut. Trong đó có thủ đô của Canada – Ottawa và các thành phố lớn khác là: Thành phố Toronto, Thành phố Québec và Montreal.
- Múi giờ miền Trung ở Canada (UTC – 6:00): chậm hơn Việt Nam khoảng 13 giờ.
Múi giờ này được áp dụng cho cả vùng Manitoba và một phần nhỏ vùng tây bắc của bang Ontario, trong đó là thành phố Winipeg – thành phố được xem có mùa đông lạnh nhất Canada.
- Múi giờ miền Núi ở Canada (UTC – 7:00): chậm hơn Việt Nam khoảng 14 giờ.
Múi giờ này được áp dụng cho các tỉnh bang, các vùng lãnh thổ như: Alberta, Northwest Territories, đông nam và đông bắc British Columbia và một số thành phố Canada đó là: Calgary và Edmonton. Múi giờ này chậm hơn Việt Nam 14 giờ vào mùa thu và mùa đông, 13 giờ vào mùa xuân và mùa hè.
- Múi giờ Thái Bình Dương (UTC – 8:00): chậm hơn Việt Nam khoảng 15 giờ.
Tại Canada, múi giờ này được áp dụng cho cả vùng British Columbia – nơi có thành phố Vancouver xinh tươi và sôi động, và khu vực Thái Bình Dương.
Lưu ý:
Từ Việt Nam bạn có thể chọn chuyến bay thẳng xuất phát từ sân bay của 4 thành phố lớn tại Việt Nam là: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang đến các thành phố lớn của Canada như Toronto, Vancouver, Victoria, Calgary, Edmonton, Montreal, Quebec, Halifax, v.v… Với giá vé trung bình sẽ dao động từ 500 – 1,000 USD tùy vào từng hãng máy bay, thời điểm, hạng ghế, cũng như việc lựa chọn điểm dừng quá cảnh. Thời gian bay trung bình sẽ khoảng 20 – 32 giờ đồng hồ.
Nhiệt độ
Canada có khí hậu đa dạng và khác biệt giữa các vùng. Khí hậu thay đổi từ ôn đới ở bờ biển phía tây British Columbia đến khí hậu cận Bắc Cực ở phía bắc. Tại các vùng không nằm ven biển, tuyết có thể bao phủ mặt đất gần sáu tháng mỗi năm, trong khi các vùng ở phía bắc có thể có hiện tượng tuyết dai dẳng quanh năm. Các khu vực đất liền có xu hướng có khí hậu lục địa ấm áp vào mùa hè. Các khu vực ở phía Tây Canada có khí hậu bán khô hạn, và các khu vực ở Đảo Vancouver thậm chí có thể được xếp vào loại khí hậu Địa Trung Hải mùa hè ấm áp.
Thời tiết Canada thường hay thay đổi theo mùa, với mùa đông lạnh giá và tuyết rơi dày ở nhiều nơi, trong khi mùa hè có thể rất ấm áp và thậm chí nóng ở các khu vực phía nam.
Tôn giáo
Canada là quốc gia đa tôn giáo, bao gồm nhiều tín ngưỡng và phong tục. Theo điều tra năm 2011, 67,3% người Canada nhận mình là tín hữu Kitô giáo; trong đó Công giáo Rôma là giáo hội lớn nhất với 38,7% dân số. Các giáo phái Tin Lành chiếm 27% dân số, lớn nhất trong số đó là Giáo hội Hiệp nhất Canada (6,1%), tiếp theo là Anh giáo (5,0%), và Báp-tít (1,9%). Còn lại, 8,8% dân số Canada là tín đồ của các tôn giáo khác, lớn nhất trong đó là Hồi giáo (3,2%) và Ấn Độ giáo (1,5%).
Chính trị
Là một trong các cường quốc lớn trên thế giới, vậy chính trị, quân sự tại đất nước Canada như thế nào?
Canada là quốc gia theo chế độ quân chủ lập hiến, trong đó quân chủ là Nữ vương Elizabeth II. Chế độ quân chủ của Canada là nền tảng của các nhánh hành pháp, lập pháp, và tư pháp.
Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ.
Hiến pháp Canada là pháp luật tối cao của quốc gia.
Bộ máy tư pháp của đất nước Canada đóng một vai trò quan trọng trong giải thích các pháp luật và có quyền phủ định các đạo luật của nghị viện nếu chúng vi hiến. Tối cao pháp viện Canada là tòa án cao nhất và nơi phân xử cuối cùng,
Canada đang sử dụng một lực lượng quân sự chuyên nghiệp, với lực lượng quân tình nguyện lên đến 68,250 thành viên và hiện đang có khoảng 47,081 quân dự bị. Quân đội Canada (CF) gồm có Lục quân Canada, Hải quân Hoàng gia Canada, và Không quân Hoàng gia Canada.
Canada và Hoa Kỳ là hai quốc gia có chung đường biên giới không được bảo vệ dài nhất thế giới, hợp tác trong các chiến dịch và tập luyện quân sự, và là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Canada tuy vậy vẫn có một chính sách đối ngoại độc lập. Bên cạnh đó, Canada gắn bó chặt chẽ với Đế quốc Anh và Thịnh vượng chung.
Canada là một quốc gia nằm trong Khối Thịnh Vượng chung, là thành viên của NATO và G8. Canada là quốc gia có nền chính trị được đánh giá là ổn định nhất thế giới. Ở Canada ít khi xảy ra xung đột sắc tộc, xung khắc quyền lợi nội bộ và các nước trên thế giới.
Giáo dục
Canada được Liên hiệp quốc đánh giá là một trong những quốc gia có chất lượng cuộc sống cao, luôn nằm trong top 4 quốc gia có chỉ số phát triển con người cao nhất trên thế giới. Các thành phố lớn như Toronto, Vancouver hay Montreal… luôn có mặt trong danh sách các thành phố tốt nhất thế giới về chất lượng cuộc sống và chất lượng giáo dục. Canada là quốc gia duy nhất trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) hiện đang đầu tư 7,1% GDP cho hệ thống giáo dục (trong khi các quốc gia khác cao nhất chỉ là khoảng 6,1%). Điều này cho thấy Canada luôn nỗ lực không ngừng để tạo nên một nền giáo dục tiên tiến và đẳng cấp, không chỉ để phục vụ cho sinh viên trong nước mà còn cho tất cả sinh viên trên toàn thế giới.
QS World University Rankings 2017 đánh giá trong 800 trường đại học hàng đầu trên toàn thế giới thì có đến 26 trường đại học thuộc Canada. Trong số này, ba trường đại học hàng đầu ở Canada được xếp hạng trong top 50 thế giới, và hơn 10 trường nằm trong top 250. Một trong số các trường Đại học nổi tiếng nhất tại Canada phải kể đến đó là:
- University Of Toronto
- University of British Columbia
- McGill University
- Université de Montréal
- University of Alberta
- McMaster University
- University of Waterloo
- University of Calgary
- Queen’s University
- Western University
Du học sinh quốc tế không những được học tập tại môi trường giáo dục Canada chất lượng cao mang tầm quốc tế mà còn được hưởng mức học phí vô cùng cạnh tranh so với các nước nói tiếng Anh khác. Với mức học phí ưu đãi chỉ từ 5,500 CAD. Với tổng chi phí học tập, sinh hoạt tại Canada chỉ bằng một nửa so với Mỹ và thấp hơn nhiều so với Anh, Úc, New Zeland hay Ireland.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe
Hệ thống y tế tại Canada được coi là một trong những niềm tự hào lớn nhất của quốc gia này. Với hệ thống y tế được thiết kế và quản lý riêng biệt theo từng tỉnh bang và vùng lãnh thổ nhằm đảm bảo việc đáp ứng nhu cầu kịp thời và phù hợp nhất. Điều này cũng cho thấy Chính phủ Canada đặc biệt chú trọng trong việc chăm sóc sức khỏe con người ở Canada. Tại Canada, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cung cấp dựa theo nhu cầu chứ không phải khả năng chi trả.
Với cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới, đây có lẽ là một trong những điểm thu hút ngày càng lớn số lượng người mong muốn định cư tại Canada. Vào tháng 03/2021, có 6 bệnh viện của Canada được nằm trong top bảng xếp hạng Các bệnh viện tốt nhất thế giới năm 2021 của Newsweek và Statista bình chọn.
Để chứng minh cho sự ưu việt của hệ thống y tế cũng như chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân tại quốc gia này, Canada được đánh giá là một trong những quốc gia có tuổi thọ cao nhất và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp nhất thế giới.
Kinh tế
Hãy cùng VICTORY điểm qua xem nền kinh tế đất nước Canada có gì nổi bật:
- Canada là 1 trong 10 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Với tỷ lệ dân số ít, có thể xem Canada là một trong số các quốc gia giàu nhất thế giới.
- Canada nằm trong nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất toàn cầu (G7) và là thành viên tổ chức Hợp tác và Phát Triển Kinh Tế (OECD).
- Canada có thế mạnh trong các ngành dịch vụ (chiếm 3/4 tỷ trọng nền kinh tế) và khai thác khoáng sản.
- Canada xếp thứ hạng cao trong danh sách các quốc gia có nền kinh tế tự do trên thế giới, với nền kinh tế toàn cầu hóa cao độ.
- Kinh tế Canada liên kết chặt chẽ với Hoa Kỳ về cả thể chế kinh tế lẫn mô hình sản xuất.
- Canada là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập bình quân theo đầu người là 46,212 USD.
- Nợ chính phủ thấp nhất trong nhóm G8.
Dưới đây, VICTORY sẽ đi phân tích chi tiết hơn về sự phát triển nền kinh tế trong những năm qua dựa theo một số thông tin được tổng hợp từ ”đất nước Canada wiki”.
- Ngân hàng Canada là ngân hàng trung ương của quốc gia.
- Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công nghiệp sử dụng hệ thống cục Thống kê Canada để lập kế hoạch tài chính.
- Năm 2012, Sở giao dịch chứng khoán Toronto được đánh giá là sở giao dịch chứng khoán lớn thứ bảy trên thế giới với 1,577 công ty niêm yết.
- Canada có một nền kinh tế hỗn hợp, xếp hạng trên Hoa Kỳ và hầu hết các quốc gia Tây Âu về chỉ số tự do kinh tế.
- Cùng với sự phát triển của các ngành chế tạo, khai mỏ, và các lĩnh vực dịch vụ, nền kinh tế của Canada đã chuyển đổi từ một nền kinh tế tập trung vào nông nghiệp sang nền kinh tế đô thị hóa, công nghiệp. Giống như nhiều quốc gia phát triển khác, ngành công nghiệp dịch vụ chi phối kinh tế Canada, cung cấp việc làm cho khoảng ba phần tư lực lượng lao động toàn quốc.
- Canada là một trong số các quốc gia phát triển ngành xuất khẩu năng lượng. Canada – Đại Tây Dương có các mỏ khí đốt ngoài khơi rộng lớn, và Alberta cũng có các tài nguyên dầu khí lớn. Canada sở hữu 13% trữ lượng dầu toàn cầu, và lớn thứ ba trên thế giới, sau Venezuela và Ả Rập Xê Út.
- Các mặt hàng tài nguyên tự nhiên xuất khẩu chính của nước Canada là thiếc và urani, và quốc gia này cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu về nhiều loại khoáng sản khác như vàng, niken, nhôm, thép, quặng sắt, than cốc, và chì.
- Canada cũng là một trong các quốc gia lớn nhất về cung cấp nông sản trên thế giới; Các thảo nguyên Canada là nơi sản xuất lúa mì, cải dầu, và các loại hạt khác có tầm quan trọng toàn cầu.
- Canada cũng có một ngành chế tạo tương đối lớn về ô tô và hàng không tập trung tại nam bộ Ontario và Québec.
- Hiệp định Thương mại tự do Canada – Hoa Kỳ (FTA) năm 1988 đã loại trừ thuế quan giữa hai quốc gia, trong khi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mở rộng thành một khu vực bao gồm cả México vào năm 1994.
- Canada là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ và khoa học. Năm 2012, Canada được xếp hạng tư toàn cầu về chất lượng nghiên cứu khoa học trong một nghiên cứu của các nhà khoa học quốc tế. Theo thống kê năm 2012, Canada có trên 28,4 triệu người sử dụng Internet, tức khoảng 83% tổng dân số.
- Cơ quan Vũ trụ Canada thực hiện chỉ đạo nghiên cứu không gian sâu, hành tinh, và hàng không; và phát triển các tên lửa và vệ tinh. Bằng việc phóng Alouette 1 vào năm 1962, Canada trở thành quốc gia thứ ba phóng một vệ tinh vào không gian sau Liên Xô và Hoa Kỳ.Năm 1984, Marc Garneau trở thành phi hành gia đầu tiên của Canada. Tính đến năm 2013, có chín người Canada từng bay vào không gian.
- Canada là một thành viên trong trạm vũ trụ quốc tế (ISS), và là một nước tiên phong trong người máy không gian, chế tạo ra các tay máy robot Canadarm, Canadarm2 và Dextre cho ISS và cho tàu con thoi của NASA. Từ thập niên 1960, ngành công nghiệp không gian vũ trụ của Canada đã thiết kế và xây dựng nhiều nhãn hiệu vệ tinh, gồm có Radarsat-1 và 2, ISIS và MOST. Canada cũng sản xuất thành công và sử dụng rộng rãi tên lửa thám không Black Brant; trên 1,000 tên lửa Black Brants được phóng kể từ khi nó được giới thiệu vào năm 1961.
Xem thêm: Phân biệt các mệnh giá của tiền Canada.
Du lịch
Với diện tích rộng lớn đứng thứ hai thế giới, cùng vẻ đẹp thiên nhiên hoang dã và vô vàn điểm đến hấp dẫn, ngành du lịch Canada đang phát triển hơn bao giờ hết. Du lịch đóng góp một phần không nhỏ vào GDP của quốc gia này. Đất nước Canada xinh đẹp được nhiều người biết đến là đất nước của lá phong, của thủ đô Ottawa nguy nga và thành phố Toronto sầm uất. Đất nước Bắc Mỹ này có những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ trải dài khắp núi non. Cùng VICROTY điểm danh một vài địa điểm mà bạn nhất định phải ghé thăm khi đến Canada.
Đảo Hoàng tử Edward
Đây là tỉnh nhỏ nhất của Canada và nổi tiếng với cây cầu Confederation. Đảo Hoàng tử Edward đã sớm nổi tiếng do xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết “Anne of green gables” năm 1908, hiện còn nổi tiếng hơn khi có rất nhiều bãi biển đẹp, hải sản tươi ngon đặc biệt là tôm hùm, những kiến trúc lịch sử, và cả những vách đá đỏ hay được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết.
Phố Cổ Quebec
Được xây dựng vào đầu thế kỷ 17, di tích lịch sử của thành phố Quebec là Di sản Thế giới được UNESCO công nhận mang đậm dấu ấn thời thuộc địa. The Upper Town được xây dựng trên vách đá, bao gồm nhiều nhà thờ, tu viện, cung điện. Phố cổ Quebec được đánh giá là như một hình ảnh đất nước Canada thu nhỏ.
Nhà Thờ Notre Dame
Nằm tại Montreal, Nhà thờ Notre Dame là một trong những nhà thờ đẹp nhất của Canada. Được hoàn thành vào năm 1891, đến năm 1989 nơi đây đã trở thành di tích lịch sử quốc gia, là nơi diễn ra nhiều sự kiện trọng đại về chính trị và tôn giáo.
Thác Niagra
Niagra là một trong những thác nước nổi tiếng và hùng vĩ nhất thế giới. Địa danh này nằm giữa biên giới Mỹ và Canada, hình thành từ ba ngọn thác riêng biệt gồm Horseshoe, American, Bridal Veil.
Khi tới đây vào mùa thu – khoảng tháng 9, 10, bạn có thể ngắm nhìn phong cảnh đất nước Canada tuyệt đẹp. Những rừng cây chuyển màu rực rỡ, bên cạnh việc ghé thăm các vườn nho trong mùa thu hoạch và thưởng thức những chùm quả ngay tại vườn.
Kênh Rideau
Đây là con kênh lịch sử được xây dựng vào đầu thế kỷ 19, bao gồm hệ thống hồ, sông ngòi, kênh rạch trải dài 202 km từ Kingston tới Ottawa. Vào mùa đông, một đoạn dài 7,8 km của kênh Rideau đóng băng, nên được biến thành sân trượt băng.
Đảo Fogo
Nằm giữa khu vực của Newfoundland và Labrador, đảo Fogo mang một vẻ đẹp yên bình và hoang sơ. Hiện nay chỉ có khoảng 11 ngư dân sinh sống trên đảo. Điểm thu hút du khách tại đây là trải nghiệm cuộc sống của ngư dân và thưởng thức hải sản tươi sống cùng gia đình, bạn bè. Hòn đảo này được cho là nơi lý tưởng cho các chuyến đi thư giãn với gia đình hoặc các nhóm nhỏ sau những ngày làm việc bận rộn.
Hồ Ontario
Là một trong những hồ nước tự nhiên lớn nhất tại Canada với diện tích gần 19,000 m2, Ontario đóng vai trò điều hòa không khí cho thành phố Toronto vào mùa hè. Khi đến hồ vào những tháng nước không đóng băng, du khách có thể ngồi du thuyền, ngắm toàn cảnh tháp CN cao 553 m.
Vườn quốc gia Jasper
Vườn quốc gia lớn nhất vùng núi Rocky của Canada mang đậm vẻ đẹp hoang dã với những dãy núi liền kề nhau cùng các thung lũng, sông băng. Những địa danh đẹp nhất, hấp dẫn du khách yêu thiên nhiên là sông băng Athabasca, hồ Maligne và phố núi Jasper. Ngoài ra, cầu đi bộ Glacier Skywalk là một gợi ý để bạn ngắm nhìn toàn cảnh những ngọn núi hùng vĩ. Mỗi năm, vườn quốc gia Jasper thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Điểm đến này đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1984.
Văn hóa của đất nước Canada
Về mặt lịch sử, Canada – đất nước và con người đều chịu ảnh hưởng của các văn hóa và truyền thống Anh Quốc, Pháp, và thổ dân do một thời gian trong lịch sử Canada là thuộc địa của Anh Quốc, Pháp và các nước châu Âu. Thông qua ngôn ngữ, nghệ thuật và âm nhạc, các dân tộc thổ dân tiếp tục có ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa Canada. Quốc gia Canada vốn đã được đánh giá là quốc gia đa văn hóa từ rất lâu. Truyền thông và giải trí Mỹ có sức ảnh hưởng lớn tại Canada; nhưng ngược lại, nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật và nghệ sĩ giải trí của Canada đã rất thành công tại Hoa Kỳ và toàn cầu.
Khi tìm hiểu đất nước Canada, bạn sẽ cảm thấy vô cùng thú vị khi được sống trong một môi trường đa văn hóa. Điều này cũng đòi hỏi bạn phải cần phải cân nhắc và đặc biệt chú ý đến một số điểm như sau:
- Tất cả những người dân và kể cả những người đang sinh sống trên đất nước Canada với bất kỳ mục đích gì như học tập hay làm việc cũng đều phải tuân thủ luật pháp của Canada, bao gồm Hiến Pháp Canada và Hiến chương Canada về quyền lợi và sự tự do. Theo đó, Canada cấm mọi hình thức phân biệt chủng tộc dựa trên gốc gác, màu da, tôn giáo, giới tính, tuổi tác, tình trạng sức khỏe hay tinh thần.
- Hiến chương Canada về quyền lợi và sự tự do đảm bảo cho công dân tự do theo tôn giáo của mình. Điều đó cũng có nghĩa là bạn phải tôn trọng cả tín ngưỡng của những người khác nữa.
- Mỗi người Canada đều có quyền được gìn giữ văn hóa của riêng họ và chúng ta phải tôn trọng điều đó, không được giữ thái độ căm thù, hay bài trừ một chủng tộc hay sắc tộc nhất định.
Tiếp theo, VICTORY sẽ cùng các bạn tìm hiểu chi tiết hơn về những nét văn hóa đặc trưng của đất nước Canada.
Biểu tượng quốc gia
Từ đầu thế kỷ 18, lá phong được coi là biểu tượng Canada – tượng trưng cho sức mạnh, văn hóa và lịch sử lâu đời của quốc gia này. Lá phong xuất hiện trên đồng xu, quốc kỳ hay là hình ảnh không thể thiếu trong những bài viết về đất nước Canada bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, quốc gia này còn có một số biểu tượng khác như: con hải ly, con ngỗng Canada , vương miện, cột gỗ,v.v…
Xem thêm: Tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa của ngày quốc khánh Canada.
Văn hóa giao tiếp, ứng xử
Đất nước, con người Canada vô cùng nhẹ nhàng, lịch thiệp và tinh tế, điều này được thể hiện rõ trong giao tiếp. Trong giao tiếp thường ngày, người dân Canada có thói quen bắt tay và nhìn thẳng vào mắt nhau khi nói chuyện. Điều này nhằm thể hiện thái độ tôn trọng đối với người đối diện. Đặc biệt, người Canada rất cởi mở, khi họ cảm thấy thân thiết và muốn nói chuyện, họ có thể nhanh chóng gọi bạn bằng tên thay vì gọi bằng họ. Nhưng đối với những người không quá thân thiết, khi giao tiếp bạn nên giữ khoảng cách vừa phải và tránh gọi thẳng tên nếu chưa được đề nghị. Câu “xin lỗi” và “cảm ơn” được sử dụng một cách thường xuyên.
Ngoài ra, người Canada cũng hành xử khá giống các quốc gia phương Đông khi đến nhà người khác. Nếu như quốc gia láng giềng là Mỹ, người ta thường có thói quen đi giày vào nhà, thì ở Canada, khi được mời đến nhà người khác, bạn nên để giày dép bên ngoài.
Ở Canada, bạn không được phép hút thuốc lá trong nhà hàng, văn phòng, và ở những địa điểm công cộng. Ai muốn hút thuốc phải ra ngoài trời, bất kể khi đó đang là mùa đông hay mưa gió.
Khi khám phá đất nước Canada bạn cũng sẽ rất ngạc nhiên vì quốc gia này có những quy định rất ngặt nghèo trong việc bán rượu và uống rượu rất khác với Việt Nam. Vào bữa ăn trưa, thông thường họ không uống đồ uống có cồn, bữa tối cũng chỉ được uống nhiều nhất là một ly rượu vang.
Kể từ năm 2015, Canada chính thức công nhận kết hôn đồng tính trên toàn lãnh thổ. Đây là một quốc gia rất thân thiện với cộng đồng LGBT.
Âm nhạc
Ngành công nghiệp âm nhạc của Canada là cái nôi sản sinh ra những nhà soạn nhạc, nhạc sĩ, ban nhạc nổi tiếng ở tầm quốc tế. Một số nghệ sĩ Canada chính thống với các hợp đồng thu âm toàn cầu. Chắc hẳn bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết những cái tên sau đây là ngững nghệ sĩ đến từ Canada như: Justin Bieber, Avril Lavigne, The Weeknd, Nelly Furtado, Michael Bublé và Drake. Đây là những nghệ sĩ lớn đã đạt được những thành công lớn trên thị trường âm nhạc quốc tế, đồng thời thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc Mỹ.
Hội họa
Nghệ thuật thị giác Canada chịu sự chi phối của các cá nhân như Tom Thomson – họa sĩ nổi tiếng nhất của quốc gia – hay Group of Seven (nhóm 7 họa sĩ). Nghệ thuật Canada được pha trộn bởi nghệ thuật Châu Âu và nét văn hóa thổ dân lục địa Bắc Mỹ.
Văn hóa ẩm thực
Canada khá nổi tiếng với nền ẩm thực đa dạng và độc đáo. Cùng tìm hiểu xem đất nước Canada có đặc sản gì nổi tiếng? Là đất nước của “lá phong đỏ”, nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều lợi thế, nên có những món ăn đặc trưng liên quan đến lá phong – đại diện cho hình ảnh về đất nước Canada. Nếu đặt chân đến nơi này, không thể không một lần nếm thử những món đặc sản như: Siro cây lá phong, rượu vang đá, tôm hùm đút lò của Prince Edvvard Island; món chân hải cẩu của Newfoundland; bánh đường cây phong của Quebec; phô mai và bagel kiểu truyền thống của Oka; thịt bò Alberta; bánh Nanaimo và cá hồi nướng trên tấm gỗ tuyết tùng của British Columbia,…
Xem thêm: Tìm hiểu về cuộc sống Canada và cách thích nghi với môi trường sống tại đây.
Văn hóa thể thao
Các môn thể thao được ưa chuộng nhất ở Canada là khúc côn cầu và Lacrosse (môn thể thao dùng vợt để bắt và ném bóng). Ngoài ra, còn có các môn thể thao khác là bóng đá, trượt tuyết, bóng chày, gôn, bóng chuyền…
Canada tham gia vào hầu như mọi kỳ Thế vận hội kể từ lần đầu tham gia vào năm 1900, và từng tổ chức một số sự kiện thể thao quốc tế cao cấp, bao gồm Thế vận hội Mùa hè 1976 tại Montréal, Thế vận hội Mùa đông 1988 tại Calgary, Thế vận hội Mùa đông 2010 tại Vancouver và Giải vô địch bóng chày thế giới 1994 và Giải vô địch bóng đá U-20 thế giới 2007. Canada sẽ được tổ chức kỳ World Cup đầu tiên cùng Mỹ và Mexico vào năm 2026.
Văn hóa lễ hội
Lễ hội là một phần sinh động, không thể thiếu trong đời sống văn hóa của con người và đất nước Canada. Các lễ hội được tổ chức nhiều nhất vào mùa hè, thu hút được một số lượng lớn khách du lịch đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Vào thời điểm này, cảnh đẹp đất nước Canada và khí hậu tại xứ sở lá phong đỏ rất lý tưởng với nền nhiệt ấm áp, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho các hoạt động ngoài trời được diễn ra thoải mái. Một cách hiệu quả nhất mà người dân muốn giới thiệu đất nước Canada đến với du khách quốc tế đó là qua những lễ hội truyền thống, trong đó phải kể đến như:
- Lễ hội Canada Heritage: thường được tổ chức vào tháng 8 hàng năm và kéo dài trong 3 ngày, quy tụ hơn 80 nền văn hóa khác nhau tại công viên lớn Willian Hawrelak.
- Lễ hội hoa Tulip: thường được tổ chức trong 11 ngày, từ ngày 9 – 19/5 hàng năm. Đây là dịp hội tụ của hơn 100 loại hoa tulip khác nhau.
- Lễ hội Celebration of Lights: thường được diễn ra trong 4 ngày, bắt đầu từ 25/7 hàng năm tại thành phố Vancouver.
- Lễ hội ánh sáng Niagara: Lễ hội ánh sáng Niagara diễn ra vào mùa đông tại thác Niagara, Ontario. Lễ hội được chiếu sáng lần đầu tiên cách đây khoảng 150 năm, nhằm tôn vinh chuyến thăm của hoàng tử xứ Wales. Mỗi năm, lễ hội sẽ được tổ chức theo một chủ đề và màu sắc khác nhau.
- Lễ hội cao bồi Calgary Stampede: lễ hội sẽ được tổ chức vào tuần thứ 2 và thứ 3 của tháng 7 và kéo dài trong vòng 10 ngày. Hoạt động chính của lễ hội Calgary Stampede là cuộc thi cưỡi bò điên, vật bò để trói, đua ngựa quanh thùng phuy…
Xem thêm: Làm thế nào để nhập cư Canada dễ dàng và nhanh chóng.
Các loại visa Canada
Cũng giống như các quốc gia khác trên thế giới, nếu bạn muốn nhập cảnh vào Canada dù với mục đích gì, như thăm thân nhân, du lịch, học tập hay làm việc, bạn bắt buộc phải xin Visa (thị thực) Canada. Visa Canada là giấy phép cho phép bạn được ra vào và lưu trú tại Canada một cách hợp pháp trong thời gian cố định.
Tùy vào mục đích của chuyến đi mà những hồ sơ bạn cần chuẩn bị để xin visa sẽ khác nhau. Nhưng bạn lưu ý rằng, việc bạn được cấp Visa chỉ là điều kiện cần để có thể ra vào Canada. Còn điều kiện đủ là bạn sẽ cần phải trả lời một số câu hỏi của nhân viên nhập cảnh tại cửa hải quan. Việc này nhằm để kiểm tra tính trung thực của bạn cũng như hồ sơ mà bạn cung cấp. Nếu trường hợp, nhân viên hải quan có sự nghi ngờ về hồ sơ của bạn, thì rất có thể bạn sẽ có nguy cơ không được nhập cảnh vào Canada. Chính vì lý do đó, chúng tôi khuyên bạn nên nhờ một đơn vị tư vấn dịch vụ có kinh nghiệm để giúp bạn thực hiện mọi thủ tục hồ sơ xin Visa cũng như hướng dẫn bạn trong việc xử lý tình huống khi được phỏng vấn tại cửa hải quan.
Có tất cả bao nhiêu loại visa Canada?
Visa Canada được chia làm 2 loại khác nhau dựa trên thời hạn và mục đích của người sở hữa visa.
Visa ngắn hạn
Visa ngắn hạn quy định thời gian lưu trú lại Canada của người sở hữu. Với visa ngắn hạn, bạn có thể ở lại Canada trong một khoảng thời gian nhất định, một số loại visa ngắn hạn có thể kể đến như: visa du lịch, visa thăm thân, visa học tập, visa làm việc,…
- Tourist Visa: Visa Du lịch.
- Super Visa: Visa thăm thân dành cho đại gia đình (ông bà, bố mẹ).
- Business Visa: Visa dành cho người đến Canada với mục đích kinh tế, thương mại.
- Intending Organ Donors Visa: Visa dành cho những người hiến tạng.
- Student Visa: Visa dành cho Du học sinh.
- Temporary Foreign Workers: Visa dành cho lao động nước ngoài tạm thời/ ngắn hạn.
- Temporary Resident Permit: Visa dành cho cư dân tạm trú.
- Working Holiday Visa: Visa Lao động có giá trị từ 12 đến 24 tháng (tuy nhiên visa này chỉ áp dụng cho lao động trẻ ở một số nước theo quy định của chính phủ Canada).
Visa dài hạn
Loại visa này cho phép người sở hữu có thể ở lại Canada trong thời gian dài hơn so với visa ngắn hạn. Người sở hữu các loại visa dài hạn có nhiều cơ hội để trở thành công dân Canada. Một số loại visa Canada dài hạn như sau:
Express Entry Visa
Gồm tập hợp các loại visa cho phép người sở hữu được định cư lâu dài tại Canada. Người lao động lành nghề ở một số quốc gia cũng có thể xin loại visa này. Các chương trình thuộc diện Expres Entry Visa gồm có:
- Federal Skilled Trades Program (FSTP): Chương trình Lao động lành nghề của Chính phủ.
- Federal Skilled Worker Program (FSWP): Chương trình Lao động tay nghề của Chính phủ.
- Provincial Nomination Programs (PNP): Chương trình Đề cử của tỉnh bang.
- Canadian Experience Class: Chương trình dành cho lao động có kinh nghiệm làm việc tại Canada.
Business Immigrant Visa
Gồm các loại visa sau:
- Immigrant Investor Program: Chương trình Nhập cư Canada theo diện đầu tư
- Entrepreneur Program: Chương trình dành cho các doanh nhân có đóng góp lớn cho nền kinh tế
- Self-employed Persons Program: Chương trình dành cho lao động lành nghề, có kĩ năng kinh doanh muốn khởi nghiệp trên lãnh thổ Canada.
Một số loại visa Canada dài hạn khác:
- Quebec-Selected Skilled Worker Program (QSWP): Chương trình dành cho lao động lành nghề của tỉnh Quebec.
- Family-Sponsorship Program: Chương trình Bảo lãnh Gia đình (thường dành cho đối tượng vợ/chồng, con cái của công dân Canada hoặc thường trú dân tại quốc gia này).
- Live-in Caregiver Program (LCP): Visa dành cho những người chăm sóc tại gia đủ tiêu chuẩn sang Canada chăm sóc cho người già, trẻ em và người khuyết tật.
Visa du học Canada
Hiện tại Visa du học Canada có hai loại: visa du học diện chứng minh tài chính thông thường và visa diện ưu tiên SDS (tên gọi đầy đủ là Study Direct Stream).
Đối với diện visa chứng minh tài chính thông thường thì bất kỳ bạn học sinh, sinh viên nào, ở bất kỳ quốc gia nào cũng có thể xin visa theo diện này. Tuy nhiên đối với visa theo diện này thì bạn sẽ cần chuẩn bị nhiều hồ sơ, giấy tờ hơn và trải qua nhiều bước xử lý hồ sơ hơn. Có hai điều kiện quan trọng nhất mà bạn cần lưu ý khi xin visa theo diện này, đó là:
- Bạn phải xin được Thư mời nhập học của một trường học nằm trong danh sách được phép tuyển sinh và đào tạo sinh viên quốc tế;
- Bạn và gia đình bạn cần phải chứng minh cho Chính phủ Canada thấy rằng, bạn có đủ điều kiện tài chính để theo học tại Canada.
Đối với visa theo diện ưu tiên SDS, bạn cần đáp ứng được những điều kiện như sau:
- Để có thể tham gia chương trình xét cấp visa nhanh SDS, bạn cần cung cấp bằng IELTS đạt tối thiểu là 6.0 và không có kỹ năng nào dưới 6.0.
- Canada là quốc gia cho phép song ngữ, nên nếu bạn không giỏi tiếng Anh thì bạn có thể thay thế bằng các chứng chỉ quốc tế tiếng Pháp tương đương.
- Chương trình này không yêu cầu bạn và gia đình bạn phải chứng minh tài chính. Nhưng nếu xin visa qua chương trình xét cấp visa nhanh SDS thì bạn bắt buộc phải đóng học phí cả năm cho trường mà bạn dự định theo học ở Canada và mua chứng chỉ đầu tư đảm bảo GIC trị giá 10.000 CAD.
- Bạn cần cung cấp Giấy khám sức khỏe trước 1 tuần trước khi nộp hồ sơ.
Các chương trình định cư Canada mới nhất
Có 4 chương trình định cư Canada chính mà bạn nên xem xét:
Chương trình định cư Canada diện tay nghề
Chương trình định cư Canada theo diện tay nghề hay còn gọi là Skilled Worker cho phép người lao động ở các quốc gia đến làm việc và định cư lâu dài tại Canada. Với điều kiện công dân phải là người có trình độ, tay nghề cao và đáp ứng điều kiện về ngoại ngữ cũng như kinh nghiệm làm việc theo ngành nghề mà bạn lựa chọn.
Chương trình định cư Canada diện đầu tư
Chương trình này dành cho các doanh nghiệp muốn kinh doanh các ngành nghề hợp pháp tại Canada. Với chương trình định cư Canada diện đầu tư, chính quyền Canada cam kết ưu đãi thuế và hỗ trợ giấy phép cư trú cho công dân có kế hoạch đầu tư, phát triển kinh tế tại quốc gia này. Bạn có thể tham khảo hai chương trình định cư diện đầu tư tại VICTORY:
- Chương trình Doanh nhân Prince Edward Island
- Chương trình Start-up Visa.
Định cư Canada theo diện du học sinh
Chương trình định cư theo diện du học sinh cho phép sinh viên quốc tế sinh sống, học tập và làm việc trong khoảng thời gian quy định tại Canada. Visa định cư theo diện du học sinh được cấp bởi Đại sứ quán Canada hay Lãnh sự quán Canada.
Sau khi tốt nghiệp các cấp bậc giáo dục tại Canada, du học sinh có thể được cấp thẻ thường trú nhân (PR) để định cư hợp pháp tại Canada theo luật nhập cư.
Định cư Canada theo diện đoàn tụ gia đình
Thủ tục định cư Canada theo diện đoàn tụ gia đình khá đơn giản. Nhưng để được cấp thẻ xanh và trở thành công dân của nước này, bạn cần có thời gian sống cũng như chứng minh được mức độ cống hiến cho quốc gia một cách phù hợp.
Tổng kết
Theo World Economic Forum, trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, Canada sẽ tiếp nhận khoảng 1,080,000 người nhập cư mới đến với quốc gia này. Qua bài viết về đất nước Canada này, VICTORY hi vọng đã giúp cho bạn hiểu được rằng Canada là đất nước như thế nào và cùng tìm hiểu về vẻ đẹp đất nước Canada. Để trong mỗi chúng ta đều có nhận định riêng về Canada – đất nước đáng sống nhất thế giới.
Xem thêm: Bảo hiểm Canada – Những điều cần biết khi sống tại đất nước này