Canada là một quốc gia giàu có về văn hóa và lịch sử, thể hiện qua những biểu tượng đặc trưng. Những biểu tượng này đại diện cho vẻ đẹp thiên nhiên, di sản bản địa và những cột mốc lịch sử quan trọng của Canada.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ khám phá 10 biểu tượng tiêu biểu của Canada và ý nghĩa mà chúng mang lại: lá phong, chú hải ly, ngựa, quốc huy, quốc kỳ, the maple leaf Tartan, lacrosse, hockey, quốc ca Canada. Từ lá phong nổi tiếng đến chú hải ly, mỗi biểu tượng đều kể câu chuyện riêng về tinh thần và con người Canada.
1. Lá phong và cây phong (Maple leaf/tree)
Lá phong là biểu tượng của Canada, bắt đầu từ thời kỳ các nhà thực dân Pháp, khi họ xem lá phong như biểu tượng của đất nước. Năm 1834, lá phong lần đầu xuất hiện trong các biểu tượng chính thức của Canada, được chọn làm biểu tượng của Hiệp hội Saint-Jean-Baptiste tại Montreal.
Đến những năm 1860, lá phong trở thành biểu tượng chung của người dân Canada, đặc biệt khi phong trào quốc gia phát triển. Năm 1965, lá phong chính thức được chọn làm biểu tượng trung tâm trên quốc kỳ Canada, đại diện cho sự đoàn kết, hòa bình và tình yêu thiên nhiên.
Mặc dù lá phong đã gắn liền với hình ảnh Canada từ lâu, cây phong chỉ chính thức được công nhận là biểu tượng cây quốc gia vào năm 1996 thông qua Sắc lệnh Chỉ định cây phong là biểu tượng cây quốc gia của Canada.
Trong số 150 loài phong được biết đến, có 10 loài là bản địa của Canada, bao gồm phong đường, phong đen, phong lá to, phong bạc, phong đỏ, phong núi, phong sọc, phong Douglas, phong dây leo và phong Manitoba. Phong đường là loài nổi tiếng nhất, nhưng biểu tượng cây của Canada là tất cả các loài phong.
Cây phong đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa và kinh tế của Canada. Từ những ngày đầu, người bản địa đã nhận ra giá trị của cây phong trong việc cung cấp nhựa cây để làm siro và đường, cũng như sử dụng gỗ phong để làm công cụ và bẫy săn.
2. Hải ly (The Beaver)
Hải ly là loài động vật có vú ăn cỏ, sinh sống trong môi trường bán thủy sinh ở khắp mọi vùng của Canada, đặc biệt là gần các tuyến đường thủy, hồ và ao. Hải ly đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế ban đầu của Canada, đặc biệt trong ngành buôn bán lông thú kéo dài từ thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19. Lông hải ly có giá trị cao, đặc biệt trong sản xuất mũ nỉ chống thấm nước, rất phổ biến ở châu Âu vào thời điểm đó.
Nhu cầu lớn về da hải ly đã thúc đẩy hoạt động thương mại, thám hiểm và thuộc địa hóa, góp phần vào quá trình hình thành Canada như ngày nay. Trước khi National Symbols of Canada Act được thông qua, hải ly đã là biểu tượng phổ biến đầu tiên của Canada, thậm chí còn xuất hiện trên con tem bưu chính đầu tiên của Canada vào năm 1851.
Ngày 24/3/1975, hải ly chính thức trở thành biểu tượng quốc gia của Canada khi National Symbols of Canada Act được Hoàng gia chấp thuận. Luật này nhằm giới thiệu hải ly (Castor canadensis) như một biểu tượng của chủ quyền Canada. Hải ly cũng xuất hiện trên nhiều biểu tượng huy hiệu ở Canada, như huy hiệu của tỉnh Manitoba và phù hiệu của Quốc gia Huron-Wendat.
3. Ngựa Canada (The Canadian Horse)
Ngựa Canada đã gắn bó với nền nông nghiệp và công nghiệp của Canada trong nhiều thế kỷ, nhưng đến tháng 4 năm 2002, chúng mới chính thức được công nhận là giống ngựa quốc gia thông qua National Horse of Canada Act.
Nguồn gốc của ngựa Canada có từ năm 1665, khi vua Pháp Louis XIV gửi những con ngựa tốt nhất từ chuồng ngựa hoàng gia đến Tân Pháp (New France). Những con ngựa này bao gồm các giống ngựa Norman, Breton, và có nguồn gốc lai từ ngựa Ả Rập, Barb và Andalusia. Qua nhiều thế kỷ, dưới điều kiện khắc nghiệt của mùa đông và môi trường làm việc khó khăn, chúng đã phát triển thành một giống ngựa riêng biệt thích nghi với điều kiện Canada.
Ngựa Canada nổi tiếng với sức mạnh, sức bền, trí thông minh và tính cách tốt. Mặc dù có kích thước nhỏ, chúng rất linh hoạt và được gọi là “ngựa sắt nhỏ”. Ngựa Canada đã hỗ trợ những người định cư đầu tiên xây dựng đất nước, từ công việc nông trại, khai thác gỗ đến cưỡi ngựa đường mòn. Chúng cũng góp phần lớn vào ngành nông nghiệp, thương mại và vận tải trong lịch sử Canada. Ngựa Canada còn phục vụ trong nhiều cuộc chiến tranh, đáng chú ý là trong Chiến tranh Nam Bắc Hoa Kỳ.
Cuối thế kỷ 19, ngựa Canada đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, nhờ các nỗ lực bảo tồn vào cuối thế kỷ 19 và trong suốt thế kỷ 20, giống ngựa này đã được bảo tồn và phát triển. Ngày nay, dù vẫn còn nằm trong danh sách nguy cơ, ngựa Canada đã tăng số lượng lên đến hàng nghìn và có thể được tìm thấy khắp đất nước.
Năm 1999, Quốc hội Quebec công nhận ngựa Canada là giống ngựa di sản vì nó gắn liền với nguồn gốc lịch sử và truyền thống nông nghiệp của tỉnh. Đạo luật về các giống vật nuôi thuộc Di sản Nông nghiệp Quebec cũng công nhận bò Canada và gà Chantecler là giống vật nuôi di sản của tỉnh này.
4. Quốc huy Canada
Quốc huy của Canada, còn được gọi là Arms of Canada hay Royal Arms of Canada, được vua George V phê chuẩn vào năm 1921. Quốc huy này thể hiện các biểu tượng hoàng gia của Anh, Scotland, Ireland và Pháp, kết hợp với những nét đặc trưng nhất của Canada. Chiếc vương miện hoàng gia trên đỉnh Quốc huy thể hiện rằng đây là biểu tượng của vua Canada.
Quốc huy có nguồn gốc từ châu Âu thời trung cổ, ban đầu được sử dụng để phân biệt các chiến binh trên chiến trường. Dần dần, quốc huy trở thành biểu tượng nhận diện cho các cá nhân và thực thể pháp lý như tổ chức, địa phương và quốc gia. Hiện nay, quốc huy vẫn được sử dụng rộng rãi trong các sự kiện chính thức, đặc biệt là để đại diện cho các quốc gia có chủ quyền.
Quốc huy của Canada mang dòng chữ “A Mari Usque Ad Mare“, có nghĩa là “Từ biển này đến biển kia”, thể hiện sự thống nhất từ bờ biển Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Năm 1994, một dải ruy băng đỏ tròn đã được thêm vào Quốc huy, mang khẩu hiệu của Huân chương Canada: “Desiderantes Meliorem Patriam” (có nghĩa là “Họ mong muốn một đất nước tốt đẹp hơn”).
5. Lá cờ Canada
Lá cờ quốc gia Canada được thông qua chính thức vào ngày 28/1/1965, theo sắc lệnh của Nữ hoàng Elizabeth II. Ngày 15 tháng 2 cùng năm, lá cờ mới lần đầu tiên được kéo lên tại Đồi Quốc hội ở Ottawa. Ngày 15 tháng 2 hằng năm được chọn là ngày Quốc kỳ Canada để kỷ niệm sự kiện này.
Thiết kế lá cờ của Canada là kết quả của một quá trình sáng tạo toàn diện vào năm 1964. Với hình ảnh lá phong đặc trưng, lá cờ đỏ và trắng của Canada trở thành biểu tượng dễ nhận diện trên toàn thế giới.
Các tỉnh bang và vùng lãnh thổ Canada đều có những lá cờ riêng thể hiện bản sắc riêng.
6. The Maple Leaf Tartan
The Maple Leaf Tartan được công nhận là biểu tượng quốc gia chính thức vào ngày 9/3/2011 thông qua tuyên bố của Bộ trưởng. Tartan là loại vải có họa tiết đặc trưng với các đường ngang và dọc giao nhau, thường làm từ len hoặc cashmere. Tartan thường gắn liền với Scotland và các gia tộc, nhưng ngày nay, tartan đã trở thành biểu tượng để thể hiện sự gắn kết của một gia đình hoặc tổ chức.
The Maple Leaf Tartan được tạo ra vào năm 1964 bởi David Weiser, một doanh nhân người Toronto trong ngành thời trang, để chào mừng kỷ niệm 100 năm Liên bang vào năm 1967. The Maple Leaf Tartan thể hiện cảnh quan tự nhiên độc đáo của Canada và được lấy cảm hứng từ lá phong qua các mùa: màu xanh của mùa hè, vàng của đầu thu, đỏ khi sương giá và nâu khi lá rụng trước mùa đông.
Ngày 21/10/2010, Chính phủ Canada đã tuyên bố ngày 6 tháng 4 là ngày Tartan. Ngày Tartan được kỷ niệm với các buổi diễu hành ban nhạc kèn túi, các điệu nhảy truyền thống và những buổi họp mặt cộng đồng lấy cảm hứng từ văn hóa Scotland.
The Maple Leaf Tartan là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, được thiết kế để người dân Canada, đặc biệt là vào các dịp như ngày quốc khánh Canada (1 tháng 7) và Ngày Tartan (6 tháng 4), có thể mặc và tự hào.
7. Màu sắc quốc gia của Canada
Màu đỏ và trắng từ lâu đã được coi là màu sắc biểu tượng của Canada, mặc dù không có tuyên bố chính thức trong sắc lệnh của Vua George V năm 1921 về Quốc Huy Canada. Tuy nhiên, màu đỏ và trắng trên Quốc kỳ Canada đã trở thành biểu tượng của quốc gia, được công nhận rộng rãi trong và ngoài nước.
Người dân Canada đã chấp nhận màu đỏ và trắng là đại diện cho các đặc điểm tự nhiên nổi bật: màu trắng của tuyết mùa đông và màu đỏ của lá phong mùa thu. Qua thời gian, 2 màu sắc này đã trở thành một phần không thể thiếu của bản sắc dân tộc Canada, thông qua sự sử dụng phổ biến và niềm tự hào của người dân.
8. Lacrosse
Lacrosse là môn thể thao đồng đội, nơi các cầu thủ ghi bàn bằng cách ném bóng cao su vào khung thành đối phương, sử dụng gậy có lưới để chuyền, bắt và ném bóng. Lacrosse có thể chơi trên sân trong nhà (lacrosse hộp) hoặc ngoài trời trên sân cỏ (lacrosse sân).
Năm 1994, Quốc hội Canada đã thông qua dự luật tuyên bố khúc côn cầu là môn thể thao mùa đông quốc gia và lacrosse là môn thể thao mùa hè quốc gia. Đạo luật Thể thao Quốc gia của Canada đã được phê chuẩn vào ngày 12 tháng 5 năm 1994.
Lacrosse bắt nguồn từ các dân tộc bản địa Bắc Mỹ, những người đã chơi các trò chơi dùng gậy bóng từ trước khi người châu Âu đến. Đây là một trong những môn thể thao đồng đội lâu đời nhất trên lục địa châu Mỹ, với nhiều tên gọi khác nhau như Deyhontsigwa’ehs (tiếng Onondaga), Tewaaraton (tiếng Mohawk) và Baggataway (người Algonquin).
Người châu Âu đã quan tâm đến lacrosse từ khi tiếp xúc với trò chơi này. Giữa thế kỷ 19, họ điều chỉnh luật chơi và biến nó thành môn thể thao chính thức. Hiệp hội Lacrosse Canada được thành lập vào năm 1867 dưới sự lãnh đạo của George Beers, với khẩu hiệu “Đất nước của chúng ta, trò chơi của chúng ta”. Hình thức truyền thống của lacrosse vẫn được giữ nguyên và phát triển trong cộng đồng người bản địa, trong khi lacrosse hộp trở thành hình thức phổ biến nhất tại Canada.
Năm 1876, hai đội lacrosse của Canada (Kahnawake và Montréal) đã thi đấu tại Lâu đài Windsor, Anh, trước sự hiện diện của Nữ hoàng Victoria. Đây là lần thứ hai trong ba chuyến du đấu lacrosse tại Anh nhằm giới thiệu Canada như một quốc gia.
9. Hockey
Hockey trên băng là môn thể thao đồng đội chơi trên mặt băng. Hai đội, mỗi đội có 6 cầu thủ, cố gắng ghi bàn bằng cách sử dụng gậy cong để đẩy một đĩa cao su (puck) vào khung thành đối phương.
Năm 1994, Quốc hội Canada đã chính thức tuyên bố hockey là môn thể thao mùa đông quốc gia thông qua Đạo luật Thể thao Quốc gia của Canada. Hockey không chỉ là một môn thể thao mà còn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Canada, tạo nên một sức mạnh đoàn kết cho người dân cả nước.
Nguồn gốc của hockey còn gây nhiều tranh luận, nhưng Canada có vai trò quan trọng trong việc định hình phiên bản hiện đại của môn thể thao này. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các quy tắc của Canada, như việc sử dụng đĩa cao su thay vì quả bóng, dần trở thành tiêu chuẩn. Năm 1911, Hiệp hội Hockey Quốc gia (National Hockey Association), tiền thân của Liên đoàn Hockey Quốc gia (NHL), đã giảm số lượng cầu thủ trên sân từ 7 xuống còn 6, và quy tắc này đã trở thành phổ biến trong môn hockey.
Lord Stanley, Toàn quyền Canada từ năm 1888 đến 1893, đã góp phần biến hockey thành một môn thể thao chính thức. Năm 1893, ông quyết định trao cúp Stanley cho đội hockey xuất sắc nhất Canada. Năm 1927, NHL chính thức chọn cúp Stanley làm phần thưởng cho đội vô địch.
Trong lịch sử, Canada đã đạt được nhiều chiến thắng quan trọng tại các giải đấu quốc tế, như Giải Vô địch Hockey Thế giới, Thế vận hội Olympic và Paralympic, và loạt trận đỉnh cao Canada-U.S.S.R. năm 1972. Sự kiện này được biết đến như một trong những khoảnh khắc vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao Canada.
10. Quốc ca Canada
“O Canada” được chính thức tuyên bố là quốc ca của Canada vào ngày 1 tháng 7 năm 1980, sau khi Đạo luật Quốc ca được thông qua. Bài hát này lần đầu tiên được biểu diễn vào ngày 24 tháng 6 năm 1880, trong lễ kỷ niệm Ngày Thánh Jean-Baptiste tại Thành phố Québec.
Phần nhạc của “O Canada” do Calixa Lavallée sáng tác, trong khi lời tiếng Pháp được viết bởi Adolphe-Basile Routhier. Qua nhiều năm, nhiều phiên bản tiếng Anh khác nhau đã được sáng tác, và phiên bản chính thức dựa trên lời của Robert Stanley Weir năm 1908.
Từ khi ra đời đến khi trở thành quốc ca, “O Canada” đã trở thành một bài hát yêu nước phổ biến trong cả cộng đồng nói tiếng Pháp và tiếng Anh tại Canada. Ngày nay, quốc ca này giúp người dân Canada thể hiện niềm tự hào và tình yêu đối với đất nước.
Các biểu tượng phổ biến khác của Canada
Các biểu tượng khác của Canada thể hiện sự đa dạng và phong phú của văn hóa và lịch sử đất nước này.
- The Royal Canadian Mounted Police (Mounties): Cảnh sát Kỵ mã Hoàng gia Canada, hay thường được gọi là Mounties, là biểu tượng nổi bật đại diện cho an ninh và pháp luật ở Canada. Họ đã trở thành biểu tượng văn hóa của đất nước với hình ảnh nổi bật trong đồng phục đỏ và mũ rộng vành.
- The Fleur-de-lis: Biểu tượng hoa bách hợp (fleur-de-lis) đại diện cho di sản người Pháp ở Quebec và có ý nghĩa lịch sử sâu sắc trong việc thành lập Canada.
- The Inuksuk Inuksuk: Biểu tượng đá được người bản địa Canada sử dụng để chỉ đường và tạo sự hướng dẫn. Nó thể hiện sự gắn kết với thiên nhiên và sự tồn tại lâu đời của các dân tộc bản địa ở vùng Bắc Cực của Canada.
- The Moose: Nai sừng tấm là một trong những động vật lớn nhất ở Bắc Mỹ và tượng trưng cho sự mạnh mẽ và bền bỉ trong hệ động vật Canada. Moose trở thành biểu tượng của thiên nhiên hoang dã Canada, đặc biệt là ở các vùng rừng phía Bắc.
- The Caribou (Tuần lộc): Caribou, xuất hiện trên đồng xu 25 cent của Canada, là biểu tượng của thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là ở các vùng lãnh thổ phía Bắc. Nó thể hiện sức mạnh và khả năng thích nghi với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.
- The Loon (Chim Loon): Chim loon, xuất hiện trên đồng xu một đô la Canada, hay còn được gọi là “loonie”, tượng trưng cho mối liên kết giữa đất nước Canada với thiên nhiên và động vật hoang dã.
Kết luận
Những biểu tượng quốc gia của Canada, từ lá phong đến hải ly, phản ánh tinh thần và bản sắc của đất nước. Mỗi biểu tượng đều mang một câu chuyện riêng về lịch sử, văn hóa và giá trị của Canada, kết nối người dân trong niềm tự hào chung.
Bạn muốn tìm hiểu thêm về di sản văn hóa Canada? Hãy ghé thăm blog của Victory để khám phá thêm những câu chuyện thú vị và hiểu thêm về cuộc sống tại đất nước tuyệt vời này.
Xem thêm:
- Thủ đô của Canada nằm ở đâu? Những điều thú vị xoay quanh thủ đô Canada.
- Canada bây giờ là mấy giờ? Canada có mấy múi giờ?
- Canada dùng tiền gì? Tiền Canada có tất cả bao nhiêu mệnh giá?
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế Canada như thế nào? Top các ngành công nghiệp chủ chốt.
- Dải nhiệt độ ở Canada là bao nhiêu? Thời tiết ở đây ấm áp hay lạnh?
- Những địa điểm khi đi du lịch Canada bạn không thể bỏ qua.
- Bí quyết thích nghi cuộc sống ở Canada dành cho người mới.
- Chính sách y tế ở Canada có miễn phí cho thường trú nhân không?
- Nền giáo dục Canada có tốt cho sự phát triển của trẻ em không?
- Canada dùng ngôn ngữ gì? Tìm hiểu về tiếng Canada
- Canada ở châu gì? Tìm hiểu về quốc gia rộng lớn tại Bắc Mỹ
- Canada bản đồ: Tìm hiểu về hệ thống các bang và vùng lãnh thổ
- Dân số Canada hiện tại: Thông tin chi tiết về số liệu mới nhất
- Canada có diện tích bao nhiêu? Tìm hiểu chi tiết
- Bảo hiểm Canada: Lợi ích cho người dân và người nhập cư